Trang

Yahoo messager & Skype

or My status

Những bài viết dưới đây hầu hết là sưu tầm trên Internet. Và dưới mỗi bài viết đều được ghi chú rõ nguồn được lấy từ đâu. Vì vây yêu cầu người xem ghi rõ nguồn khi trích dẫn các nguồn tài liệu và tôi sẽ không chịu trách nhiệm nào khi người xem trích dẫn các bài viết này.

Thứ Bảy, 5 tháng 6, 2010

Nặng lắm gánh hàng rong


TT- – AT - Lớn lên trong gia đình nông dân nghèo “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, tôi thấu hiểu được nỗi vất vả mà bố mẹ phải gánh chịu.

Trong ký ức, tôi vẫn còn nhớ như in những ngày nhà không đủ gạo phải tằn tiện độn khoai vào nồi cơm, rồi những hôm mưa bão nhà dột trước dột sau phải ngồi co ro, dùng thau hứng nước...

Với đôi quang gánh và bộ bà ba cũ sờn vai, mẹ quẩy nồi chè đậu đi bán. “Ai mua chè, đường cát trắng nước dừa không?”. Tôi vẫn không thể nào quên được câu rao ấy ngay cả trong giấc ngủ.

Tuy nghèo nhưng ba mẹ nhất định không cho tôi bỏ học. Mỗi lần tôi đề nghị với bố mẹ cho nghỉ học phụ giúp gia đình, trong mắt bố lại dâng lên một nỗi buồn khó tả. “Đời bố mẹ mày khổ rồi, mày muốn khổ nữa sao? Lo mà học hành, có như thế mới thoát khỏi cái nghèo con ạ!”. Hiểu ý bố, tôi cố học thật tốt. Ngày biết tin tôi đậu đại học, bố mẹ tôi mừng lắm, đi khoe với họ hàng, chòm xóm. Tạm biệt làng quê nghèo với bao nhiêu kỷ niệm bền chặt ngày thơ ấu, tôi lên đường đem theo nhiều hi vọng, hoài bão của gia đình.

Tôi trọ ở khu phố dành cho những người lao động nghèo, tuy hơi bề bộn, lụp xụp một tí nhưng đối với tôi là quá đủ so với khoản tiền eo hẹp của mình. “Phố hàng rong” - cái tên mọi người đặt cho nơi đây, đã trở thành ngôi nhà nương náu cho đại gia đình tứ xứ. Nhờ khu phố này mà tôi tìm được cảm giác ấm áp của tình người, hình ảnh mẹ như thấp thoáng đâu đó ở những người bán hàng rong mà tôi gọi là mẹ, là chị. Hằng ngày họ phải thức dậy từ lúc 4-5 giờ sáng, sửa soạn quang gánh cho một ngày làm việc tất bật.

Mỗi người một cảnh, một số phận, nhưng giữa họ có một điểm chung, đều là những mảnh đời lam lũ, nghèo khổ, phải từ bỏ làng quê lên thành phố mưu sinh. Một ngày lăn lộn ngoài phố kiếm độ 20.000 - 30.000 đồng, cũng cố dành dụm gửi về quê nghèo nuôi cha mẹ già và con cái đang tuổi ăn học. Tôi cảm nhận rất rõ niềm vui sướng, hạnh phúc rạng ngời của các mẹ, các chị khi nhận được tin con cái ở quê nhà chăm ngoan, học hành tấn tới. Tôi hiểu các mẹ, các chị đang đánh đổi cả ngày miệt mài, lặn lội khắp hang cùng ngõ hẻm, dãi nắng dầm sương, chỉ để mong thấy được thành công của con em mình.

Mong sao cho tất cả bạn trẻ - những người con từng được lớn lên từ sự chắt chiu, tảo tần của bao gánh hàng rong - sẽ có cơ may trong học hành và tìm kiếm việc làm. Chỉ có thế, mới mong vơi bớt nỗi nhọc nhằn oằn nặng từ gánh hàng rong của các mẹ, các chị thương yêu!

NGUYỄN THÀNH NHƠN (BC K08 ĐH KHXH NV TP.HCM)

1 nhận xét: