Trang

Yahoo messager & Skype

or My status

Những bài viết dưới đây hầu hết là sưu tầm trên Internet. Và dưới mỗi bài viết đều được ghi chú rõ nguồn được lấy từ đâu. Vì vây yêu cầu người xem ghi rõ nguồn khi trích dẫn các nguồn tài liệu và tôi sẽ không chịu trách nhiệm nào khi người xem trích dẫn các bài viết này.

Thứ Hai, 9 tháng 8, 2010

[XHTN] Xếp hạng sức mạnh tài chính các Ngân hàng - Phần 2

Phần này trình bày các nhân tố xếp hạng sức mạnh tài chính các Ngân hàng của Moody's, bao gồm: Lơi thế kinh tế, Vị thế rủi ro, Môi trường pháp lý, Môi trường kinh doanh và Nền tảng tài chính

NHÂN TỐ 1: LỢI THẾ KINH TẾ

Đánh giá lợi thế kinh tế của một ngân hàng là yếu tố trung tâm trong phân tích của chúng tôi. Một lợi thế kinh tế vững chắc là nhân tố chính làm cơ sở để tạo ra và duy trì nguồn thu nhập của một tổ chức, do đó, giúp các ngân hàng duy trì và cải thiện khả năng phòng chống rủi ro trong những thị trường mục tiêu của nó. Tóm lại, các ngân hàng có lợi thế kinh tế mạnh có vị thế tốt hơn khi chống chọi với các điều kiện thị trường khó khăn kéo dài

Trong bảng điểm, Moody's tập trung vào 4 nhân tố phụ để đánh giá lợi thế kinh tế: Thị phần và tính ổn định, đa dạng hóa khu vực địa lý, tính ổn định của nguồn thu nhập, tính đa dạng hóa nguồn thu nhập

1. Thị phần và tính ổn định

Nhân tố phụ đầu tiên mà chúng tôi xem xét là thị phần và khả năng duy trì thị phần trong dài hạn. Thị phần lớn với một thương hiệu được nhận biết rộng rãi có liên quan chặt chẽ với khả năng trả giá (lãi suất) của ngân hàng. Những yếu tố này như các rào cản các đối thủ khác giành lấy thị phần và như một chỉ báo cho sự ổn định vị thế và khả năng bảo vệ mình của ngân hàng trước các đối thủ cạnh tranh.

Thị phần được sử dụng cho nhân tố phụ này được quyết định dựa trên nơi mà ngân hàng có thu nhập ròng chiếm đa số. Nó thường dựa trên khu vực địa lý, sản phẩm và khách hàng. Đối với những ngân hàng hoạt động trong nhiều khu vực địa lý khác nhau và/ hoặc nhiều hoạt động kinh doanh khác nhau, chúng tôi sẽ cố gắng ước lượng % thị phần thích hợp của nó.

Quy mô của bất kỳ lĩnh vực kinh doanh nào đều phụ thuộc vào đặc điểm của khách hàng, sản phẩm và sự tồn tại hoặc thiếu hụt của luật pháp hay các rào cản thâm nhập ngành. Thị trường thích hợp đối với các sản phẩm ngân hàng bán lẻ có thể là địa phương, trong khi đối với các sản phẩm khác là toàn quốc hay đa quốc gia. Thị trường tương ứng cũng có thể bao gồm các đối thủ cạnh tranh phi ngân hàng tùy thuộc vào sần phẩm hay dịch vụ mà họ đưa ra

Từ đặc điểm của thị trường, một ngân hàng không cần phải lớn mới có được thị phần lớn. Một ngân hàng nhỏ nhưng chi phối thị trường trong một phạm vi nhỏ và được bảo vệ, có thể có giá trị kinh tế được duy trì và nó sẽ chuyển thành nguồn thu nhập ổn định hơn so với các ngân hàng khác. Nói cách khác, một ngân hàng với quy mô tương tự hoặc thậm chí lớn hơn mà cạnh tranh trong thị trường ở phạm vi toàn cầu có thể có thị phần hạn chế hơn.

Tuy nhiên, chúng tôi cũng nhận ra rằng vị thế thị trường của ngân hàng có thể thay đổi theo thời gian. Xu hướng gần đây cũng sẽ được xem xét, cũng như các đặc điểm cụ thể của từng thị trường riêng biệt.

2. Đa dạng hóa khu vực địa lý

Nhân tố phụ thứ hai đánh giá mức độ đa dạng hóa khu vực kinh doanh của một tổ chức tín dụng. Nhìn chung, sự tập trung quá mức hoạt động cho vay tại một khu vực địa lý đơn lẻ với các hoạt động kinh tế không được đa dạng hóa làm gia tăng rủi ro tín dụng, suy yếu chất lượng tài sản và dễ bị tác động bởi các chu kỳ kinh doanh.

Mở rộng ra, với một ngân hàng nhỏ trong một khu vực đơn lẻ, chúng tôi tin rằng ngân hàng đó nhiều khả năng phải chịu sự biến động thu nhập lớn hơn các ngân hàng được đa dạng hóa khu vực hoạt động. Khu vực địa lý hạn chế thường phụ thuộc vào một số ít ngành kinh tế hơn các khu vực khác. Tuy nhiên, chúng tôi nhận ra rằng, vẫn có những ngoại lệ. Một vài khu vực nhỏ hơn có thể vẫn được đa dạng hóa cao, ngược lại các khuc vực lớn hơn có thể kém đa dạng hóa hơn

3. Tính ổn định nguồn thu nhập

Nhân tố phụ thứ 3 mà chúng tôi xem xét là mức độ có thể dự báo kết quả các lĩnh vực kinh doanh chính của một tổ chức tín dụng. Chúng tôi đánh giá cao các ngân hàng dựa trên hoạt động bán lẻ vì nó có thể tạo ra dòng thu nhập sau khi điều chỉnh rủi ro có thể dự báo được, và nó là tài sản vô giá trong giai đoạn thị trường biến động hoặc lâm vào tình trạng kiệt quệ tài chính. Sự ổn định thu nhập này thường là kết quả của những mối quan hệ khách hàng bền vững, danh mục cho vay gồm nhiều khoản nhỏ (granular loan portfolios) mà thường thấy ở các ngân hàng bán lẻ truyền thống. Ngân hàng bán sỉ/ ngân hàng dành cho doanh nghiệp thường chịu tính biến động cao hơn trong một thời gian ngắn và bị chi phối bởi các nhân tố nằm ngoài tầm kiểm soát của các ngân hàng.

Chúng tôi chú thích rằng việc phân tích khả năng dự báo được kết quả các mảng kinh doanh chính của một ngân hàng cũng là một bộ phận không thể thiếu trong đánh giá năng lực quản trị rủi ro và vị thế rủi ro của một ngân hàng.

4. Tính đa dạng hóa nguồn thu nhập

Nhân tố thứ 4 mà chúng tôi phân tích là mức độ đa dạng hóa hoạt động kinh doanh của ngân hàng. Trong bảng đánh giá, chúng tôi tập trung vào xem xét một ngân hàng có tính đa dạng hóa hay không, những ngân hàng nào mà chỉ dựa vào một lĩnh vực kinh doanh duy nhất, chúng tôi gọi là monoline, và nó sẽ nhận điểm E cho nhân tố phụ này. Niềm tin quá mức vào một hoạt động kinh doanh duy nhất có thể làm cho tổ chức tín dụng dễ bị tổn thương trước những thay đổi tiềm ẩn đột ngột và không thể dự báo trong thị trường mà nó hoạt động, trong khi lại không có nguồn thu nhập khác để tự bảo vệ trước tình trạng mất khả năng thanh toán. Trong bảng điểm xếp hạng, chúng tôi định nghĩa một ngân hàng như là một monoline nếu hơn 80% thu nhập ròng của nó xuất phát từ một hoạt động hay một sản phẩm duy nhất. Ví dụ như các tổ chức mà tạo ra hơn 80% lãi ròng từ thẻ tín dụng, cho thuê tài sản hoạt động và tài chính, cho vay mua ô tô, bao thanh toán, tín dụng bất động sản, tài trợ dự án, cho vay đầu tư chứng khoán ... Riêng đối với các ngân hàng bán lẻ, bởi đặc tính tự nhiên của nó đã được đa dạng hóa giữa hoạt động cho vay và nhận tiền gửi, sẽ không được coi như là monoline.

Nếu một ngân hàng monoline có được lợi thế từ thị phần lớn và thu nhập ổn định, những yếu tố tích cực đó sẽ được thể hiện ở các nhân tố phụ tương ứng. Tuy nhiên, chúng tôi tin rằng điểm số thấp hơn đối với nhân tố phụ "Đa dạng hóa nguồn thu nhập" thì thích hợp vì những ngân hàng monoline dễ bị tổn thương hơn trước những thay đổi tiềm ẩn của thị trường mà không có nguồn thu nhập khác bù đắp.

NHÂN TỐ 2: VỊ THẾ RỦI RO

Vị thế rủi ro của ngân hàng là một nhân tố định tính quan trọng trong phân tích tín dụng của Moody's. Cách tiếp cận của ban quản lý để quản trị các rủi ro là thành phần chính yếu làm nền tảng cho các quyết định mang tính chiến lược và có thể là nền tảng cho cả các quyết định tiếp theo sau đó. Chúng tôi nhận thấy rằng các quy tắc, quan điểm về rủi ro thì song hành với chiến lược của ngân hàng.

Trong phương pháp phân tích của chúng tôi, chúng tôi dựa trên sự kết hợp các đánh giá định tính và định lượng để có thể cung cấp cái nhìn thấu đáo về các nguyên tắc quản trị rủi ro và hiệu lực quản trị rủi ro của một ngân hàng. Quản trị rủi ro ám chỉ việc giảm thiểu hoặc kiểm soát rủi ro mà ngân hàng phải đối mặt. Những rủi ro này ảnh hưởng đến khả năng dự báo thu nhập và lợi nhuận cơ bản của ngân hàng, và trong một vài trường hợp gây nguy hiểm đến vị thế tín dụng của ngân hàng nếu chúng không được quản trị hợp lý. Các nhân tố phụ khi đánh giá Vị thế rủi ro là quản trị xung đột lợi ích trong tổ chức, quyền kiểm soát và quản trị rủi ro, tính minh bạch của báo cáo tài chính , mức độ tập trung rủi ro tín dụng, quản trị thanh khoản, tham vọng rủi ro thị trường

1. Quản trị xung đột lợi ích trong tổ chức

Bao gồm: quyền sở hữu và tính phức tạp của tổ chức, rủi ro nhân sự chủ chốt, và rủi ro liên quan đến các nhóm lợi ích khác nhau trong nội bộ

a. Quyền sở hữu và tính phức tạp của tổ chức
Moody's tin rằng tại các ngân hàng có cơ cấu sở hữu phức tạp, ban quản trị có thể gặp khó khăn nhiều hơn khi áp dụng quan điểm giám sát độc lập đối với các cổ đông đang nắm quyền kiểm soát ngân hàng. Người ta có thể cho rằng, các cổ đông lớn, các chủ sở hữu mang tính gia đình, có thể khuyến khích các quyết định mang đến lợi ích dài hạn. Tuy nhiên, ban giám đốc của một tổ chức bị kiểm soát phải quản trị các xung đột lợi ích tiềm tàng giữa lợi ích của các cổ đông nắm quyền kiểm soát và lợi ích của các cổ đông thiểu số. Nhiệm vụ của ban quản trị trở nên khó khăn hơn khi cơ cấu tổ chức có tính phức tạp cao và/ hoặc khi các cổ đông kiểm soát nắm giữ các vị trí điều hành chủ yếu.

b. Rủi ro nhân sự chủ chốt
Cách đánh giá chất lượng quản trị của Moody được bao hàm bởi một nhóm các nhân tố xếp hạng sức mạnh tài chính, ví dụ, quan điểm chiến lược và thành tích tài chính quá khứ của ngân hàng. Một yếu tố khác cũng rất quan trọng là mức độ mà một ngân hàng phụ thuộc vào một ủy viên ban quản trị riêng lẻ hoặc một nhóm các ủy viên, mà những cá nhân này chi phối các vị trí ra quyết định chủ yếu. Từ đó, chúng tôi tin điều này có thể tạo ra rủi ro nhân sự chủ chốt, vì việc đánh mất các cá nhân như vậy có thể tác động bất lợi đến tương lai của ngân hàng, ngay cả đối với các ngân hàng đã có quy trình tuyển chọn người kế vị rõ ràng

c. Rủi ro liên quan đến các nhóm lợi ích khác nhau trong nội bộ
Một quy trình phê duyệt tín dụng độc lập cần thiết đối với khả năng thanh toán của ngân hàng. Chúng tôi tin rằng sự mở rộng tín dụng dành cho các nhân viên trong nội bộ ngân hàng - mà còn được gọi là các khoản cho vay đến những người có liên quan - ám chỉ rằng các tiêu chuẩn xét duyệt đã bị phá vỡ, hoặc tối thiểu cũng nói lên rằng các tiêu chuẩn đã không được áp dụng một cách chuẩn mực. Những khoản vay như vậy có thể tạo ra nhiều khó khăn hơn đối với ban quản trị, bởi vì các xung đột lợi ích cố hữu của nó. Những khoản cho vay này đặc biệt gây ra nhiều rắc rối, khi nó được xét duyệt cho các cổ đông nắm quyền kiểm soát hoặc các thành viên quản trị ngân hàng (hoặc những người có liên quan với họ).

Tính độc lập thấp làm gia tăng rủi ro của ngân hàng. Vì lý do này, Moody tin rằng sự có mặt của một vài thành viên quản trị độc lập trong ban quản trị của ngân hàng thì quan trọng (như tiến sĩ Trần Xuân Giá là một thành viên độc lập của ACB) và nó sẽ làm tăng điểm số đối với các ngân hàng kém cỏi chưa bổ nhiệm các thành viên quản trị độc lập và không quan tâm đến cơ cấu sở hữu

2. Quyền kiểm soát và quản trị rủi ro

Chúng tôi quan tâm tới hệ thống quản lý, hệ thông kiểm soát nội bộ và sự cân bằng giữa chúng như là một phương tiện để giảm rủi ro kinh doanh và rủi ro tổng thể của ngân hàng. Chú ý rằng quyền kiểm soát tại ngân hàng đang được chia nhỏ trong những năm gần đây, phản ánh sự phức tạp ngày càng cao hơn để tạo ra sự hòa hợp trong ngân hàng, tầm quan trọng gia tăng trong các hoạt động kinh doanh tại một số ngân hàng, tác dộng của tiến bộ kỹ thuật, sự mở rộng tự do tài chính, và sự thay đổi các luât lệ. Cũng trong thời gian này, các ngân hàng đang đầu tư nguồn lực lớn hơn để đo lường và kiểm soát rủi ro kinh doanh, theo như Basel II, các ngân hàng phải nắm giữ một tỷ lệ vốn tổi thiểu để đảm bảo cho các rủi ro kinh doanh

3. Tính minh bạch của báo cáo tài chính
Tính minh bạch của báo cáo tài chính là một yếu tố quan trọng trong phân tích chiến lược và vị thế rủi ro của ngân hàng, vì dữ liệu tài chính và hoạt động kinh doanh được báo cáo bởi ngân hàng là điểm khởi đầu trong phân tích tín dụng của chúng tôi. Thêm vào đó, báo cáo tài chính nghèo nàn thường che dấu các rủi ro trong ngân hàng. Vì vậy, chúng tôi tin rằng sự minh bạch và thông tin tài chính đúng hạn thì phù hợp với những ngân hàng có sức mạnh tài chính vững vàng.

Các nhân tố được xem xét khi đánh giá tính minh bạch BCTC của ngân hàng là: thông tin tài chính được báo cáo có thể so sánh được trong phạm vi toàn cầu, các báo cáo thường xuyên và đúng hạn, chất lượng các thông tin được báo cáo bởi ngân hàng

a. Thông tin tài chính được báo cáo có thể so sánh được trong phạm vi toàn cầu: Moody's tin rằng các báo cáo tài chính được thiết lập dựa trên IFRS, US, GAAP hay bất kỳ tiêu chuẩn kế toán tương tự nào mang tính toàn cầu, hoặc được kiểm toán bởi các công ty hàng đầu đề có thể so sánh được với nhau. Bất kỳ một sai lệch có ý nghĩa nào xảy ra sẽ làm cho điểm số minh bạch tài chính của ngân hàng giảm xuống

b. Các báo cáo thường xuyên và đúng hạn: Theo quan điểm của chúng tôi, các báo cáo tài chính theo quý và năm cần được báo cáo thường xuyên và đúng hạn mới có thể đạt được điểm số xếp hạng cao

c. Chất lượng các thông tin được báo cáo bởi ngân hàng: Chất lượng thông tin tài chính khác nhau một cách có ý nghĩa tại các ngân hàng được chúng tôi xếp hạng. Nhìn chung, chúng tôi mong đợi rằng các ngân hàng sẽ đưa ra các báo cáo tài chính được trình bày rõ ràng và dễ hiểu hơn đến người sử dụng, công khai tất cả các thông tin quan trọng như danh mục các khoản cho vay lớn, các khoản nợ xấu, mức trích lập dự phòng cho các khoản nợ xấu, tổng tài sản đã điều chỉnh rủi ro. Chúng tôi cũng tiếp xúc với ban quản trị để có hiểu biết toàn diện hơn về rủi ro tín dụng, rủi ro lãi suất, rủi ro tỷ giá và giá trị tại rủi ro của ngân hàng

4. Mức độ tập trung rủi ro tín dụng

Sự tập trung tín dụng lớn trong các khoản cho vay, kinh doanh và danh mục đầu tư gia tăng rủi ro tín dụng của một ngân hàng. Vì vậy, chúng tôi tin rằng các khoản tín dụng lớn cung cấp cho một vài người vay tiền, ngành hay khu vực đơn lẻ là căn nguyên tiềm tàng của biến động thu nhập.

Các thước đo mà chúng tôi sử dụng để đo lường mức độ tập trung rủi ro tín dụng là mức độ tập trung rủi ro tín dụng vào khách hàng và mức độ tập trung rủi ro tín dụng vào ngành.

5. Quản trị thanh khoản

Moody's tin rằng hầu hết các ngân hàng phá sản đầu tiên và trước hết là bởi vì mất thanh khoản. Khi một ngân hàng hoạt động mà không có tiền mặt, nó không thể thực hiện được các chức năng của mình. Nói một cách khác, thanh khoản mạnh có thể giúp một ngân hàng yếu về các mặt khác duy trì được nguồn tiền thỏa đáng để tài trợ cho chính bản thân nó trong suốt giai đoạn khó khăn. Vì vậy, một trong những mục tiêu cốt yếu trong phân tích sức mạnh tài chính của ngân hàng là đánh giá khả năng tự tài trợ trong giai đoạn khó khăn về tài chính.

Phân tích khả năng quản trị rủi ro thanh khoản của Moody's bắt đầu bằng việc đánh giá mức độ các tài sản không có khả năng thanh khoản của ngân hàng được tài trợ chủ yếu bởi các khoản nợ có ổn định hay không (chủ yếu là các khoản tiền gửi thanh toán tại ngân hàng, nợ dài hạn hay vốn cổ phần). Những ngân hàng có nguồn tài trợ ổn định vượt trội các tài sản kém thanh khoản nhìn chung đối mặt với rủi ro thanh khoản thấp.

6. Tham vọng rủi ro thị trường

Khi đánh giá tham vọng rủi ro thị trường của ngân hàng, giả định của chúng tôi là đối với một tham vọng rủi ro lớn hơn, họ cũng kỳ vọng đạt được một tỷ suất sinh lợi lớn hơn. Vì tỷ suất sinh lợi kỳ vọng trong trường hợp này gia tăng tính biến động thu nhập và vì vậy quy mô của các khoản tổn thất tín dụng tiềm ẩn không được mong đợi gia tăng và ngược lại.

Người ta có thể cho rằng, thực tiễn quản trị rủi ro làm cho nhà quản trị chọn mức độ rủi ro tương thích với rủi ro mục tiêu của toàn ngân hàng và hạng mức tín nhiệm mà nó mong muốn duy trì. Cách đánh giá năng lực quản trị rủi ro của Moody's nhằm vào đánh giá mối quan hệ giữa tham vọng rủi ro và khả năng quản trị rủi ro của nó.

Mục tiêu của Moody's khi phân tích rủi ro thị trường là đánh giá độ nhạy của các khoản mục kinh doanh đối với các biến tài chính chính yếu bao gồm lãi suất, giá cổ phần, tỷ giá hối đoái và độ trải rộng tín dụng (credit spread). Chúng tôi xem xét kết quả thông qua kiểm định mô phỏng tình trạng kiệt quệ tài chính hoặc đo lường các tài sản có rủi ro (economic capital) hoặc nếu không có giá trị, chúng tôi tìm kiếm các thước đo rủi ro thị trường khác như VaR hoặc phân tích độ nhạy cảm lãi suất

NHÂN TỐ 3: MÔI TRƯỜNG PHÁP LÝ

Moody tin rằng sức mạnh tài chính của một ngân hàng có thể bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi các luật lệ ngân hàng. Sức mạnh tài chính của một ngân hàng thường được cải thiện cùng với sự tồn tại một hệ thống luật pháp ngân hàng độc lập được tín nhiệm các điều khoản phù hợp với thực tiễn toàn cầu và được giải thích rõ ràng. Mục tiêu chính của hệ thống pháp lý ngân hàng thường tập trung bảo vệ người gửi tiền vào ngân hàng và thúc đẩy xây dựng một hệ thống ngân hàng lành mạnh để hỗ trợ cho tăng trưởng và phát triển kinh tế.

1. Tính độc lập

Khi đánh giá môi trường pháp lý, đầu tiên chúng tôi xem xét sự độc lập của các nhà làm luật mà chúng tôi tin tưởng là cần thiết đối với một hệ thống pháp lý ngân hàng hiệu quả. Từ đó, chúng tôi mở rộng xem xét các tiêu chuẩn và luật lệ có bị tác động bởi các ngành kinh doanh hay yếu tố chính trị không, các luật lệ có dễ hiểu và rõ ràng hay không

2. Các tiêu chuẩn

Các tiêu chuẩn ngân hàng được ban hành nhằm gia tăng tính minh bạch và cải thiện hiệu quả hoạt động của hệ thống ngân hàng. Để đánh giá các tiêu chuẩn này, chúng tôi dựa trên các tiêu chuẩn thực hành tốt nhất mà được ban hành bởi Basel.

Nhiều nhà làm luật đã mở rộng các tiêu chuẩn do Basel ban hành và trông có vẻ tốt về mặt lý thuyết, nhưng chúng lại không theo sát và không có hiệu lực trong thực tế. Một số nhà làm luật thì ngầm thông qua các luật lệ bất thành văn và thuyết phục về mặt đạo đức nghề nghiệp, nhưng chúng lại rất hiệu quả. Tuy nhiên, nếu thiếu sót các luật lệ và tiêu chuẩn được ban hành, thì tính độc lập của các nhà làm luật và chất lượng giám sát nhất thiết phải được nâng cao lên nhiều lần.

Theo quan điểm của Moody's, các nhà làm luật nên thiết lập các tiêu chuẩn về cấp phép thành lập, vốn, chất lượng tài sản, tính thanh khoản.

a. Cấp phép thành lập: Các tiêu chuẩn để được cấp phép hoạt động quan trọng bởi vì các ngân hàng được thành lập mới luôn có rủi ro cao hơn các ngân hàng đã đi vào hoạt động ổn định. Một số lượng lớn các ngân hàng đăng ký mới không được quản lý và giám sát cẩn thận có thể tạo ra rủi ro đáng kể không chỉ đối với ngân hàng đó mà còn đối với cả hệ thống ngân hàng.

b. Yêu cầu vốn tối thiểu là phấn thiết yếu trong các luật lệ ngân hàng, chúng tôi xem xét các ngân hàng có thi hành hiệp ước vốn Basel một cách thận trọng hay không

c. Chất lượng tài sản: Các nhà làm luật thiết lập các tiêu chuẩn về chất lượng tài sản và giám sát việc thực hiện các tiêu chuẩn đó. Chúng tôi xem xét định nghĩa của ngân hàng về nợ xấu có thận trọng và đồng nhất hay không, các hướng dẫn dự phòng tổn thất tín dụng, tái phân loại nợ và các bút toán xóa nợ có đáng tin cậy hay không, các điều khoản hạn chế cho vay số lượng lớn đối với các thành phần có liên quan đến nhân viên cấp cao trong ngân hàng...

d. Tính thanh khoản: Vấn đề này đã được đề cập ở trên, nhưng ở đây chúng tôi nói về khía cạnh pháp lý của nó. Tức là các nhà làm luật có hướng dẫn và yêu cầu quản trị thanh khoản không, có yêu cầu báo cáo thường xuyên về vị thế thanh khoản không, các ngân hàng có kế hoạch đối phó với các tính huống xấu xảy ra bất ngờ như khi không thể thâm nhập thì trường vốn trong một thời gian dài hay khi xảy ra các cú sốc kinh tế hay không.

3. Sự giám sát (không đề cập)
4. Sự cưỡng chế thi hành (không đề cập)
5. Sự trưởng thành của hệ thống pháp luật (không đề cập)

6. Sức khỏe của hệ thống ngân hàng

Như đã ám chỉ ở trên, sức khỏe tài chính của hệ thống ngân hàng trong một quốc gia có tương quan với sức mạnh của môi trường pháp lý ngân hàng. Trong khi sức khỏe tài chính của hệ thống ngân hàng phải chịu tác động từ sự biến đổi các nhân tố vĩ mô vượt ngoài tầm kiểm soát của các nhà làm luật, sự tồn tại luật lệ ngân hàng và hệ thống giám sát hiệu quả, đáng tin cậy và tiên phong có thể giúp ngân hàng khắc phục được phần nào các bất lợi này.

NHÂN TỐ 4: MÔI TRƯỜNG KINH DOANH

Hoạt động kinh doanh của ngân hàng thường bị chi phối bởi môi trường kinh doanh của nó, và ở những nơi mà các điều kiện đặc biệt khó khăn, các ngân hàng thường được nói là nạn nhân trong môi trường của họ. Chu kỳ kinh tế khắc nghiệt, các quyết định mang tính chính trị gây nguy hại cho hoạt động kinh doanh, hệ thống luật pháp yếu kém và môi trường cạnh tranh không công bằng có thể tác động riêng lẻ hoặc kết hợp với nhau làm suy yếu khả năng thanh toán của ngân hàng. Trong nhiều nhân tố, Moody's tin rằng các nhân tố chính là biến động của nền kinh tế, hiệu quả của hệ thống pháp luật, hiệu quả của các tổ chức chính trị và xã hội, động lực cạnh tranh và cấu trúc ngành ngân hàng

Trong phân tích ban đầu của chúng tôi về môi trường kinh doanh để cho điểm sức mạnh tài chính tập trung vào 3 thước đo khác nhau, tất cả chúng đều có thể được định lượng. Chúng tôi chọn các thước đo này như là cách tốt nhất để nắm bắt các khác biệt lớn trong các môi trường kinh doanh khác nhau. Thực tế, Moody's đánh giá môi trường kinh doanh của một nước ít nhất một lần trong mỗi năm. Đánh giá đó sẽ được áp dụng đối với tất cả các ngân hàng hoạt động trong cùng hệ thống. Đối với những ngân hàng có một phần tài sản hoặc lợi nhuận đáng kể (hơn 20%) từ quốc gia khác (quản lý trực tiếp hoặc công ty con), chúng tôi sẽ tính toán điểm môi trường kinh doanh đối với mỗi nhân tố phụ dựa trên hỗn hợp tài sản và lợi nhuận của nó. Từ đó, phản ánh môi trường kinh doanh tổng thể của ngân hàng

1. Tính ổn định của nền kinh tế

Một sự sụt giảm lớn trong tốc độ tăng trưởng kinh tế tương quan với sự suy yếu trong chất lượng tài sản. Vì vậy, khi tất cả các điều kiện khác là như nhau, những quốc gia với các chu kỳ kinh tế biến động mạnh hơn thì rủi ro hơn đối với các hoạt động kinh doanh.

Chu kỳ kinh tế ở các nền kinh tế công nghiệp hóa cao thường biến động ít hơn, với tăng trưởng GDP tăng giảm từ 1 -2% trong suốt 2/ 3 của 20 năm qua. Các nền kinh tế đang phát triển biểu hiện sự biến động mạnh hơn trong chu kỳ kinh tế, với độ lệch chuẩn của tốc độ tăng trưởng GDP trong khoảng 7 -12%. Dựa trên độ lệch chuẩn của tốc độ tăng trưởng GDP danh nghĩa, chúng tôi tính điểm nhân tố "Tính ổn định của nền kinh tế" cho mỗi quốc gia.

2. Liêm chính và tham nhũng

Tham nhũng có thể làm cho môi trường kinh doanh không thể dự báo được và lãng phí. Tham nhũng trong nền kinh tế tạo ra khó khăn đối với các ngân hàng, thậm chí ngay cả khi hoạt động kinh doanh trong nội bộ của nó không có tham nhũng.

Tại cấp độ vĩ mô, tham nhũng gây lãng phí và các nguồn lực không được phân phối đúng nơi, vì vậy giới hạn tăng trưởng kinh tế. Tại cấp độ vi mô, tham nhũng có thể làm hủy hoại thông tin kế toán và các thông tin khác mà các quyết định tín dụng được đưa ra dựa trên các thông tin đó.

Bởi vì rất khó để có thể đánh giá chính xác mức độ tham nhũng dựa trên các dữ liệu thô. Vì vậy, chúng tôi chọn chỉ số Khả năng kiểm soát tham nhũng của World Bank (WB CC) - chỉ số nhằm xếp hạng mức độ sử dụng tài sản công hay quyền lực chính trị để tư lợi trong mỗi quốc gia. Điểm số cho mỗi quốc gia sẽ dựa trên chỉ số này. (Việt Nam có điểm số là - 0.76 trong năm 2008, đứng thứ 167 trong 212 quốc gia được World Bank xếp hạng).

3. Hệ thống luật pháp

Phần lớn hoạt động kinh doanh của ngân hàng dựa trên các hợp đồng, khế ước vay nợ, các khoản bảo đảm, thế chấp, ký quỹ và các hợp đồng phái sinh. Hầu hết các nhà quản trị giảm nhẹ hoặc kiểm soát rủi ro dựa trên các dự báo và sự công bằng của hệ thống luật pháp. Giá trị tiền tệ theo thời gian cũng đặt ra một phần bù rủi ro dựa trên sự tiến triển của hệ thống luật pháp

Từ các lý do này, chúng tôi cho điểm hệ thống luật pháp của mỗi quốc gia căn cứ vào thời gian một ngân hàng chuyển nhượng xong quyền sở hữu bất động sản thế chấp khi khách hàng không thể trả được nợ. Theo kinh nghiệm của chúng tôi, thời gian này ít hơn một năm đối với các quốc gia có ngân hàng hiệu quả - tòa án thân thiện và luât lệ vững chắc. Tuy nhiên, những nơi mà tòa án không hiệu quả, tham nhũng hoặc bảo hộ cho lợi ích của các cá nhân, ngân hàng có thể tốn từ 5 -10 năm xử lý bất động sản thu hồi nợ, điều này có thể làm sụt giảm đáng kể giá trị các tài sản thế chấp của ngân hàng.

NHÂN TỐ 5: NỀN TẢNG TÀI CHÍNH

Nền tảng tài chính là cách tương đối dễ dàng để so sánh hiệu quả hoạt động của các ngân hàng trong phạm vi toàn cầu, bởi vì nhìn chung ngân hàng có hai hoạt động chính là mươn tiền và cho vay tiền. Moody's xem xét nhân tố nền tảng tài chính theo 4 nhân tố phụ sau: khả năng sinh lợi, tính thanh khoản, an toàn vốn, hiệu quả hoạt động, chất lượng tài sản.

1. Khả năng sinh lợi

Khả năng sinh lời là yếu tố chính quyết định thành công hay thất bại dài hạn của một tổ chức tài chính. Nó đo lường khả năng tạo ra giá trị kinh tế và từ đó gia tăng các nguồn lực để duy trì hoặc cải thiện khả năng phòng chống rủi ro cho các chủ nợ. Moody's tin rằng sự tái tạo khả năng sinh lợi là biện pháp đầu tiên để chống lại các khoản thua lỗ tín dụng. Tuy nhiên, thu nhập cần được đo lường theo sự biến động. Trong các tỷ số của chúng tôi, chúng tôi tìm được tỷ số đảm bảo cho các chủ nợ trong khi đo lường thu nhập mà có liên quan với bảng cân đối tài sản và các rủi ro khác. Ngoài ra, chúng tôi cũng nhận thức được rằng các nhà quản trị ngân hàng có thể sẽ phải để tâm đến các nhu cầu của cổ đông. Mở rộng ra, các tỷ số như tăng trưởng ROE hay EPS sẽ tác động đến các chiến lược của ban quản trị, nên chúng tôi sẽ quan sát chúng để phán đoán các áp lực mà nhà quản trị phải đối mặt.

2. Tính thanh khoản

Tất thanh khoản hầu như luôn là nguyên nhân gần nhất làm cho các ngân hàng phá sản, trong khi thanh khoản mạnh giúp các ngân hàng yêu kém về các mặt khác có thể duy trì thỏa đáng nguồn tiền trong suốt thời gian khó khăn. Một trong những mục tiêu chính trong phân tích BSFRs là đánh giá khả năng tự tài trợ của nó khi gặp phải tính trạng suy kiệt tài chính.

3. An toàn vốn

So với hầu hết các ngành khác, ngân hàng có đòn bẩy tài chính cao. Theo thống kê, các ngân hàng phá sản hều hết bởi thua lỗ trong danh mục cho vay, mô hình kinh doanh nghèo nàn hoặc lừa đảo. Các nhân tố này rốt cuộc đều làm suy giảm nguồn vốn, nhưng sự suy giảm vốn không phải là căn nguyên dẫn đến sự phá sản của ngân hàng. Như chúng tôi đã nói nhiều lần, vốn thì quan trọng, nhưng nó không phải là chỉ báo cho sức khỏe tín dụng, và vì vậy hiếm khi tác động đến mức xếp hạng. Thực tế, theo dữ liệu lịch sử, tỷ số đòn bẩy có tương quan dương với mức xếp hạng - các ngân hàng được xếp hạng cao có đòn bẩy cao hơn các ngân hàng được xếp hạng thấp hơn. Bởi vì chúng tôi tin rằng lợi ích từ mở rộng mô hình kinh doanh, một "hỗn hợp" các hoạt động kinh doanh được đa dạng hóa, quản trị rủi ro tốt và ổn định, thu nhập có thể dự báo được vượt trội các bất lợi do tỷ số vốn yếu gây ra.

Theo như các quy định đặt ra, các ngân hàng phải đáp ứng yêu cầu an toàn vốn tối thiểu. Các ngân hàng có nguồn vốn thặng dư, vượt quá yêu cầu an toàn vốn tối thiểu có nhiều thuận lợi hơn khi thâm nhập thị trường vốn và cung cấp cho ban quản trị sự linh hoạt tài chính để nắm bắt các cơ hội thâu tóm, mua lại hay tái cơ cấu hoạt động.

Các tranh luận về nguồn vốn trở nên nổi bật hơn tại thời điểm xảy ra hoạt động thâu tóm. Bởi vì các tổ chức tài chính thường gia tăng đòn bẩy tài chính để tài trợ cho giao dịch này. Ở một khía cạnh khác, nguồn vốn cũng đáng chú ý hơn khi một ngân hàng có tình trạng tài chính yếu kém.

4. Hiệu quả hoạt động

Ngân hàng là ngành tập trung cao yếu tố công nghệ và con người, và chính sách cắt giảm chi phí là tiêu điểm chiến lược để các ngân hàng đạt được hiệu quả hoạt động cao hơn. Sư gia tăng đối thủ cạnh tranh và các sản phẩm ngân hàng làm cho việc tăng doanh thu trở thành một nhiệm vụ khó khăn. Phân tích của chúng tôi tập trung vào cả những nỗ lực của ban quản trị để kiểm soát và cắt giảm các chi phí, và kết quả đem lại thực sự.

5. Chất lượng tài sản

Chất lượng tài sản quyết định thu nhập trong tương lai của ngân hàng, tạo ra hay xói mòn nguồn vốn. Danh mục các khoản cho vay nhìn chung là thành phần lớn nhất trong bảng cân đối tài sản của một ngân hàng. Vì vậy, chất lượng các khoản cho vay được xem là thành phần chính quyết định khả năng trả nợ của ngân hàng.

CÁC TỶ SỐ ĐƯỢC CHỌN

Vì xếp hạng của Mody's phân loại rủi ro mà có thể so sánh trên phạm vi toàn cầu. Nên bảng điểm của Moody's tập trung vào các tỷ số vừa có ý nghĩa trong đánh giá rủi ro tín dụng và vừa có thể tính toán được đối với hầu hết các ngân hàng trên thế giới. Để giảm biến động khi xét bất kỳ một giai đoạn riêng lẻ nào, chúng tôi chọn cách tính toàn các tỷ số trung bình trong 3 năm:

1. Khả năng sinh lợi

Thu nhập trước thuế và dự phòng thua lỗ tín dụng/ tổng tài sản đã điều chỉnh rủi ro trung bình: lợi nhuận trước khi trích lập dự phòng phản ánh thu nhập cốt lõi của một ngân hàng, và đảm bảo cho việc bù đắp các khoản lỗ nếu có trong tương lai. Lợi nhuận được tính với tài sản sau khi đã điều chỉnh rủi ro, như là một khoản đảm bảo cho những người gửi tiền. Cách tính này cung cấp một đánh giá tốt hơn về rủi ro so với việc dùng tổng tài sản, bởi vì nó phản ánh rủi ro trong bảng cân đối và kế toán ngoài bảng. Dù sao, chúng tôi cũng biết rằng việc đánh giá tài sản rủi ro này vẫn chưa thật sự hoàn hảo. Khi dữ liệu về tài sản đã điều chỉnh rủi ro không thể tiếp cận được, chúng tôi sẽ tính nó dựa trên bảng cân đôi kế toán, kế toán ngoài bảng và các trọng số rủi ro tiêu chuẩn, những ước lượng này cũng tương đương tổng tài sản đã điều chỉnh rủi ro.

Thu nhập thuần/ Tổng tài sản đã điều chỉnh rủi ro trung bình: Thu nhập ở đây được tính sau tất cả các chi phí.

2. Tính thanh khoản

(Nguồn vốn từ thị trường trừ tài sản có tính lỏng)/ Tổng tài sản: Nguồn vốn từ thị trường bao gồm tất cả các khoản nợ ngắn và dài hạn. Tỷ số này thể hiện mức độ phụ thuộc của ngân hàng vào nguồn vốn bên ngoài

3. An toàn vốn

Tỷ số trong Basel I (Tier 1 Basel Regulotory Ratio): Đây là tỷ số theo Basel I được báo cáo bởi các ngân hàng (Nguồn vốn/ Tài sản đã điều chỉnh rủi ro). Tỷ số này được ưa chuộng bởi vì nó gần với vốn cổ phần và không bao gồm nợ dưới chuẩn. Các khoản nợ dưới chuẩn thường không thể giảm thiểu thiệt hại trừ phi có tính thanh khoản cao, và chúng không cung cấp sự đảm bảo trước rủi ro mất khả năng thanh toán.

Vốn cổ phần hữu hình/ Tổng tài sản đã điều chỉnh rủi ro: Chỉ số này phản ánh rủi ro của tài sản ngân hàng (trong và ngoài bảng cân đối kế toán). Vốn cổ phần hữu hình được tính bằng tổng vốn cổ phần trừ đi các khoản : cổ phần ưu đãi, lợi ích cổ đông thiểu số, dự phòng lãi lỗ chưa thực hiện từ kinh doanh chứng khoán, dự phòng định giá lại tài sản, điều chỉnh dòng tiền phát sinh chưa thực hiện từ các công cụ phái sinh, lợi thế thương mại và các tài sản vô hình khác.

4. Hiệu quả hoạt động

Tỷ số này được đo lường bởi tổng chi phí không bao gồm lãi vay phải trả để tạo ra tổng thu nhập (mà được tính toán như Tổng thu nhập lãi thuần + Tổng thu nhập phi lãi vay bao gồm cả lợi nhuận hay thua lỗ từ hoạt động kinh doanh chứng khoán). Tỷ số này đo lường hiệu quả của ngân hàng và khả năng tạo ra lợi nhuận mà không cần phải gia tăng doanh thu

5. Chất lượng tài sản

Tỷ số nợ xấu/ Tổng nợ: Các khoản nợ xấu bao gồm các khoản cho vay sụt giảm giá trị như được định nghĩa tại IAS 39, dành cho các ngân hàng kế toán theo IFRS hoặc hệ thống kế toán tương tự; hoặc các khoản cho vay không tích lũy + các khoản cho vay tích lũy quá hạn 90 ngày hoặc nhiều hơn đối với các ngân hàng kế toán theo tiêu chuẩn của Mỹ hoặc các hệ thống kế toán tương tự; đối với các ngân hàng không kế toán theo IFRS, Moody's sẽ ước lượng mức độ các khoản cho vay có vấn đề bằng cách phân loại các nợ của ngân hàng.

Tỷ số Nợ xấu/ (Vốn cổ phần thường + Dự phòng tổn thất tín dụng): Chúng tôi cộng các khoản Dự phòng tổn thất tín dụng vào mẫu số hơn là trừ ra khỏi tử số, để dễ so sánh đối với các ngân hàng khác nhau về chính sách dự phòng và xóa bỏ tài sản (write-off).

(Hết)

Lê Tất Thành - www.rating.com.vn
Lược dịch dựa trên bản xếp hạng sức mạnh tài chính các Ngân hàng của Moody's (2006)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét