Trang

Yahoo messager & Skype

or My status

Những bài viết dưới đây hầu hết là sưu tầm trên Internet. Và dưới mỗi bài viết đều được ghi chú rõ nguồn được lấy từ đâu. Vì vây yêu cầu người xem ghi rõ nguồn khi trích dẫn các nguồn tài liệu và tôi sẽ không chịu trách nhiệm nào khi người xem trích dẫn các bài viết này.

Thứ Tư, 9 tháng 5, 2012

TÔI SINH RA Ở NÔNG THÔN, BỐ MẸ TÔI LÀ NÔNG DÂN.


Lâu lâu mới vào facebook, thấy có nhiều câu chuyện đơn giản mà cảm động quá. Có nhiều thứ rất đời thường, rất dễ nhưng đối với mọi người thật khó (kể cả mình). Xin chia sẽ bài viết sau đối với những ai là con em của "Nông dân", xuất phát từ những miền quê nghèo. Không biết ở nơi thành phố xa hoa, có ai còn dấu diếm nơi chôn rau cắt rốn của mình ?
TCCL tháng 5 năm 2012
Tác giả: Nguyễn Thị Phương Hoa
.


Nửa đêm.
Mò vào mạng check mail lần cuối.
Nhận được một bức thư thật dài và cảm động của một học viên.

Trong thư, cậu ta tâm sự: “Em đã từng đứng trên bục giảng, từng nói với học sinh của mình về các kỹ năng sống, trong đó em đã nói với bọn trẻ phải biết tự tin trong cuộc sống, biết sống với chính mình và biết vượt qua mọi hoàn cảnh. Thế nhưng, cũng chính trên cái bục giảng ấy, em đã có sự mặc cảm về xuất thân của mình khi những học trò của mình nói “mấy thằng thợ xây” đang gây ồn ào ở công trình thi công gần trường học. Em đã lặng đi như chết khi chợt nhớ lại cách đây 7 năm mình cũng đã từng là thợ xây, và hiện tại cha mình ở nhà cũng là một thợ xây. Vậy mà các cậu ấm trong lớp mình lại gọi các bác lao động kia là “thằng thợ xây”. Nhờ được tiếp xúc với cô mà em đã dám “ngẩng mặt với đời” vượt qua mặc cảm, sống với ý nghĩa đích thực của cuộc đời…”.

Đọc những dòng tâm sự này, tôi nhớ lại chuyện xảy ra cách đây mấy năm. Để trả nghĩa cho cô giáo chủ nhiệm con trai hồi lớp 3, tôi đã “có nhời” nhờ một đệ tử ruột của mình “đặc cách” cho cháu họ của chồng cô giáo (sau hỏi ra mới biết là họ hàng bắn ca nông đại bác mấy ngày cũng không tới), tốt nghiệp trường SP ngoại ngữ, vào làm việc tại một công ty tài chính của nước ngoài, nơi đệ tử ruột của tôi làm Sếp. Tôi năn nỉ đệ tử: “Này em, gắng làm phúc chút nha. Mẹ con bé này là nông dân (về sau mới biết là “nông dân trồng rau” bên Gia Lâm), bố xuất ngũ làm bảo vệ. Nó là con trưởng và học hành khá khẩm nhất nhà. Mình tạo cơ hội cho nó để sau nó còn làm chỗ dựa và dẫn dắt các em”. Đệ tử của tôi thuộc túyp người nghe đến hai chữ nông dân là thấy mủi lòng, người nhũn như bún, vội lập bập: “Vâng, bác nói thế làm sao em từ chối được”. Học ngoại ngữ thì biết quái gì về tài chính mà làm. Tuy nhiên, may mắn cho con bé là đệ tử của tôi đã cử người hướng dẫn nhiệt tình từng ly từng tí và dần dần cô bé đã bắt đầu quen với công việc. Thế nhưng, cái mặc cảm là “con nông dân” đã giết chết con bé. Nó đã choáng váng đến nghẹt thở khi vào làm ở một công ty sang trọng với những nhân viên ăn mặc lịch lãm. Sự thân thiện của sếp, sự cởi mở và nhiệt tình giúp đỡ của các đồng nghiệp cũng không cứu nổi con bé. Nó đã không tự bước qua được cái ám ảnh tâm lý nặng nề “mình là con nông dân, con của đẳng cấp dưới”. Sau gần hai tháng, khi thời gian học việc đã có kết quả khá khả quan, bỗng nhiên tôi nhận được một email rất dài của cô bé: “Cô ơi, cháu không biết phải nói gì nữa cả. Trên đời này, ngoài bố mẹ cháu ra chưa ai lo và giúp đỡ cho cháu như cô. Nhưng hôm nay cháu phải thành thật xin lỗi cô vì cháu đã quyết định thôi việc ở công ty. Cháu không vượt qua được áp lực tâm lý rất nặng nề mỗi khi bước vào cơ quan. Cháu luôn bị ám ảnh về tầng lớp xuất thân của cháu và cháu thấy mình không thể phù hợp với môi trường làm việc ở đó. Các bạn cháu cũng bảo “con vua thì lại làm vua, con sãi nhà chùa lại quét lá đa” thôi. Và cháu đã quyết định đi sang Đức làm Aupair* rồi cô ạ...”


"Cháu luôn bị mặc cảm bởi tầng lớp xuất thân của mình nên đã bỏ công ty
sang Đức làm người giúp việc"
 (Ảnh: Sinbad)

Đọc xong bức thư tôi đã rất giận. Sao có cái giống đâu mà ngu đến thế hả giời. Thế mà cũng tốt nghiệp đại học đấy. Đã “gang” miệng ra và đổ cơm vào cho mà còn không tự nhai, tự nuốt được thì có chết cũng là đáng đời thôi. Con nông dân thì làm sao? Con nông dân thì không có quyền hay không thể ngửa mặt lên được với đời à? Mày ngu thế thì chỉ đi làm Osin cho thiên hạ là đáng rồi con ạ.

Điên ruột.

Hôm sau, ngay lúc vừa bước chân vào giảng đường (với gần 100 sinh viên) tôi hỏi luôn:

- Trong giảng đường này, những em nào là con nông dân?

Lúc đầu lác đác những cánh tay rụt rè giơ lên, sau đó có đến già nửa hội trường.

- Có ai mặc cảm mình là con nông dân?

Những ánh mắt nhìn nhau không mấy tự tin cho lắm.
Nhưng không ai trả lời.

- Làm sao mà phải tự ti vì là con nông dân. Các em thậm chí còn nên hãnh diện với mọi người là bố mẹ mình thuộc thành phần “sạch sẽ” nhất ở trong cái xã hôi này (nào có tham nhũng hay chấm mút được của ai cái gì ngoài món đặc sản “mồ hồi” và “thắt lưng buộc bụng” mà chẳng "sạch sẽ"). Nhưng tất nhiên là chỉ khi bố mẹ các em không dùng thuốc trừ sâu hay hóa chất quá liều thôi đấy nhé – tôi hóm hỉnh “bồi” thêm. Phải hãnh diện là cha mẹ mình nghèo khó, mình không có điều kiện được luyện ở các “lò lớn lò bé” như các bạn khác nhưng mình vẫn ngẩng cao đầu đường hoàng bước chân vào cổng trường đại học chứ.


Hãy hãnh diện vì cha mẹ mình nghèo khó mà mình vẫn vào được đại học (Ảnh: Internet)

Mặc cảm vì xuất thân nghèo khó (thường đi liền với hèn) là tâm lý rất phổ biến ở nhiều người, bởi thế việc nói những điều này với bọn trẻ (sinh viên) cũng không phải là thừa.

Đúng thế, dám chắc không phải là thừa.

Bỗng nhớ lại cuộc trò chuyện với hai cô bé sinh viên làm phục vụ tại một quán ăn đêm vỉa hè ở Huế cách đây mấy năm.

Sinh ra và lớn lên ở một vùng núi của Thanh Hóa, hai cô bé vào học ngành văn ĐHSP Huế với giấc mộng trở thành nhà báo. Nhà nghèo, cha mẹ là nông dân, quanh năm làm vẫn không đủ ăn chứ đừng nói đến chuyện nuôi con đi học đại học, nên phải đi làm thêm buổi tối. Xin việc cũng khó nên đành đi bưng bê ở quán ăn đêm với tiền công khá rẻ mạt. Các cô bé kể, đi làm thế này tuy vất vả nhưng bọn cháu không ngại, chỉ sợ nhỡ may bạn bè bắt gặp thì ngượng và tủi thân lắm. Tôi bảo: sao phải ngượng với bạn bè? Mình sống bằng sức lao động của mình, có ăn cắp, ăn trộm hay ăn xin ai đâu mà phải ngượng. Đúng ra các cháu phải hãnh diện và tự hào với bạn bè là mình đã tự nuôi sống được bản thân và công việc học hành của mình chứ. Nghe thấy thế hai cô bé bảo: “Cô ơi, cô là người duy nhất nói với chúng cháu như thế. Mọi người không ai nghĩ như vậy đâu cô ạ. Cảm ơn cô đã động viên và tiếp thêm nghị lực cho bọn cháu”.

Trước khi chào ra về tôi còn dặn dò hai cô bé: “Các cháu cố lên nhé, nhưng gắng đừng để làm thêm ảnh hưởng nhiều đến công việc học hành. Nếu thích thử sức với nghề báo thì khi viết được bài gì hay hay cứ gửi cho cô theo địa chỉ email …. , cô sẽ tìm cách gửi đăng giúp”.

Và tôi mong các sinh viên, học viên của tôi dám ngẩng cao đầu với thiên hạ mà nói rằng:

Tôi sinh ra ở nông thôn, bố mẹ tôi là nông dân….


Ngẩng cao đầu mà nói "Tôi sinh ra ở nông thôn, bố mẹ tôi là nông dân"
* Aupair: giúp việc

Thứ Sáu, 4 tháng 5, 2012

Cuộc sống cũng giống như...đi xe đạp



1. Cũng giống như đi xe đạp, điều quan trọng nhất là bạn luôn phải giữ được thăng bằng. Để giữ được thăng bằng, bạn phải giữ mình không ngừng vận động.Bạn phải luôn biết giữ thăng bằng, luôn nhìn về phía trước... và nó sẽ đưa bạn đến nơi cần đến.

2. Cũng giống như cuộc sống, nếu bạn mong trèo lên xe là đi được ngay, nếu bạn muốn ngay lúc vừa biết đi xe đã chinh phục một quãng đường xa, bạn sẽ bị ngã.
3. Bắt đầu tập đi xe đạp, bạn hay bị ngã, nhưng đó là kinh nghiệm để bạn thực sự sẵn sàng cho mỗi chuyến đi. Cuộc sống cũng như vậy, là một chuỗi những bài học từ sai lầm. Bạn lớn lên trong cuộc sống từ những trải nghiệm thực tiễn đó.
4. Nếu bạn cứ mãi nhìn xuống đất hay sau lưng thay vì nhìn về phía trước khi đi xe đạp, bạn sẽ đánh mất sự thăng bằng và ngã.
Có những khoảnh khắc bạn tự đắm chìm trong một thế giới huyễn hoặc của riêng bạn, đánh mất sự liên hệ với cuộc sống. Không nên chỉ nhìn vào mơ ước xa xăm của bạn hay nhìn về quá khứ, hãy dành phần lớn sự chú ý của mình vào hiện tại và những điều trước mắt, bạn mới thực sự vững vàng.
 
5. Khi con đường có những khúc quanh, bạn phải lái xe theo khúc quanh đó. Còn nếu bạn nhất định, kiên quyết giữ tay lái thẳng, bạn sẽ đi theo một con đường khác và đánh mất con đường định đi.
Cuộc sống đôi khi cũng bắt bạn đi theo những con đường cong và đôi khi xuất hiện những ngã rẽ bất ngờ, đòi hỏi bạn phải lựa chọn. Bạn có thể vẫn kiên định đi theo con đường của mình hoặc đi vào ngã rẽ. Và nếu bi kịch xảy ra, hãy chấp nhận những tổn thương và tin rằng số phận luôn có những kế hoạch lớn cho một kết thúc tốt đẹp ở cuối con đường.
6. Chiếc xe đạp sẽ giúp bạn đến nơi mà bạn cần đến đã được hoạch định bằng công sức bạn bỏ ra đạp nó. Nó chỉ là công cụ, không phải là kết quả.
Cũng giống như cuộc sống, sống thăng bằng rất quan trọng, nhưng đó không phải là mục đích của cuộc sống mà chỉ là cách để bạn đạt được mục đích của mình. Số phận không phải là bất biến, nếu bạn biết sử dụng chiếc xe đạp của mình thật tốt, bạn sẽ đi xa trong cuộc sống.
7. Sau khi thành thạo và hiểu biết với việc điều khiển xe đạp, bạn có thể đi theo cách của riêng mình, thậm chí chỉ cần một bánh xe. Cũng giống như bạn thực sự hiểu cuộc sống, hiểu mình là ai, mình có thể làm được gì, mình đang cần điều gì, bạn có thể làm nên những điều kì diệu theo cách của riêng bạn.
8. Đi xe đạp sẽ cho bạn thể chất khoẻ mạnh. Khi đạp xe lên đỉnh dốc, nó cần bạn nỗ lực hết mình. Nhưng khi bạn đã lên tới đỉnh và đi xuống, bạn sẽ thấy nhẹ nhàng, hứng khởi. Cơ thể dẻo dai giúp bạn chinh phục bất cứ đỉnh cao nào.
9. Điều cuối cùng là bạn không thể đi xe đạp mãi mãi. Một vài người ước rằng họ có thể sống mãi mãi. Thậm chí một vài người tin vào điều đó. Nhưng giống như đi xe đạp ra ngoài, rồi sẽ có lúc bạn cần nghỉ ngơi và trở về nhà. Quan trọng là bạn thích thú với việc đi xe và nó đưa bạn đến nơi bạn cần đến. 
 
Theo TGPN/Teen to teen

Cứu người bị chửi là ngu


Một ông bố từng đánh con trai nát lưng “cho chừa cái tội ngu”, bởi cậu đã lao vào đám côn đồ để giải cứu cho thiếu nữ không quen biết.

Đọc một tin hay nghe một câu chuyện ai đó vì giúp đỡ hoặc cứu người mà để lụy đến mình, tôi tin rằng 100 người thì 99 cảm thấy khâm phục và xúc động, thậm chí buông lời cảm thán rằng nếu ai cũng có tấm lòng nghĩa khí như vậy thì cuộc đời này đẹp biết bao nhiêu. Nhưng nếu người tốt bụng đó chính là thân nhân của họ thì phản ứng có thể rất khác.


“Không nghĩ đến mình, trời tru đất diệt”


Rụng rời nhìn con trai mang bộ mặt sưng vều, bầm tím với khóe môi rách tươm về nhà, anh Hưng cuống cuồng xoa dầu, rửa vết thương cho con rồi hỏi đánh nhau với ai mà te tua vậy. Cậu học trò kể là dọc đường thấy hai thanh niên mặt mày bặm trợn đang bắt nạt một thiếu nữ nên đã xông vào can thiệp, và tuy cậu “ăn đòn” nhưng cô bé cũng thoát. Nghe vậy, anh Hưng sợ quá hóa giận, quát lên: “Trời ơi, sao mày ngu thế hả con? Tưởng mày đánh nhau với bạn thì không sao, cùng lắm chỉ sứt đầu mẻ trán, chứ dây với mấy thằng côn đồ đó lỡ nó xiên cho một dao thì còn gì là công tao với mẹ mày nuôi 17 năm nay?”. Con trai Hưng cãi, bố vẫn dạy con phải biết giúp đỡ người khác, đây lại là một cô gái chân yếu tay mềm, làm sao ngơ đi được.
Cứu giúp người khác chỉ là việc của các siêu nhân?


Cố kiên nhẫn, ông bố lý giải với hy vọng cậu ấm nhà mình “sáng” ra: “Giúp người khác là tốt, nhưng phải không hại đến mình. Mày mới nứt mắt ra, lo thân còn chưa được còn bày đặt anh hùng cứu mỹ nhân. Nếu mày có mệnh hệ nào thì là đại bất hiếu nghe chưa?”.
Thấy ông con trai vẫn cứng đầu cứng cổ cho là mình đúng, Hưng lôi ra đánh một trận thừa sống thiếu chết để mong cậu tởn đến già mà lo lấy thân, đừng làm những việc bao đồng khiến bố mẹ thót tim nữa.


Hưng buồn bã tâm sự: “Tôi cảm thấy từ hôm đó, lòng kính trọng của nó dành cho tôi giảm rất nhiều. Nhưng sau này trưởng thành hơn, nó sẽ hiểu ra nó ngu ngốc như thế nào. Dĩ nhiên tôi muốn con mình là người tốt, nhưng thử hỏi có ai tốt đến mức quên cả bản thân mà tồn tại được không? Người Tàu có câu ‘không biết nghĩ đến mình, trời tru đất diệt’, không phải là không có lý”.
Tuy không nâng đến mức triết lý như anh Hưng nhưng rất nhiều người khác cũng có cùng suy nghĩ như vậy. Họ đều tôn trọng cái tốt, ngưỡng mộ cái thiện, tuy nhiên nếu việc tốt, việc thiện làm thiệt hại đến mình thì “tốt nhất là nhường cái công đức ấy cho ai đó vĩ đại hơn”. Chị Mai Lê, 39 tuổi, nói: “Mình cũng chỉ là người bình thường, không làm gì thất đức là được rồi”. Với quan điểm đó, chị từng mắng chồng như tát nước khi anh, vì bảo vệ một đồng nghiệp vừa tốt vừa có năng lực ở cơ quan trong một cuộc đấu đá nội bộ, đã bị mất chức, khiến vợ con vạ lây vì ngân sách gia đình giảm nghiêm trọng.
“Không bao giờ tớ ngờ được là lão ấy lại có thể dở hơi, cám hấp đến mức đó, làm khổ vợ khổ con”, Mai Lê tâm sự với bạn. Hễ gặp khó khăn về tiền bạc là chị lại đay nghiến chồng về “lỗi lầm” đó. Thậm chí Mai Lê còn kể tội chồng trước các con lúc bọn trẻ xin tiền mẹ mua đồ chơi: “Chúng mày có ăn thịt mẹ thì ăn, chứ làm gì có tiền. Chỉ vì thói anh hùng rơm của bố mày mà tao khổ thế này đây”. Nghe vợ mắng nhiều quá, chồng chị cũng phải tự nhủ, thôi thì chút lòng nghĩa hiệp từ sau xin chừa.


Những chuyện “thấy chết không cứu”


“Tôi thất vọng vì bọn trẻ bây giờ quá ông ạ”, Hiệp, một anh bạn tôi, than. Hiệp chia sẻ, hôm trước anh làm giỗ bố, thằng cháu con bà chị đến muộn. Chưa ai kịp trách thì nó đã bô bô kể về vụ tai nạn mà nó vừa chứng kiến ngoài đường: một bà bụng chửa vượt mặt bị chiếc xe máy tạt đầu va phải. “Cháu nghĩ bà ý kiểu gì cũng sẩy thai, máu chảy như thế kia mà”, thằng bé nói. “À hóa ra vì bận chở cô ấy vào viện nên cháu đến muộn hả?”, một bà dì hỏi. Thằng bé tròn mắt: “Trời ơi, thiếu gì taxi mà cháu phải chở? Con Honda Civic này cháu năn nỉ gãy lưỡi bố cháu mới mua cho, để bà ý lên làm bẩn hết hay sao? Lỡ bà ý đẻ luôn trên xe hay làm sao thì chết cháu. Mà nghe nói để bà bầu bị chảy máu như vậy lên xe mình thì sau đen đủi lắm”. Thấy ánh mắt của người lớn nhìn mình, cậu thanh minh: “Dì với cậu yên tâm, kiểu gì bà ý cũng đón được taxi. Nếu không có taxi thì rồi cũng có người khác chở đi. Chứ cháu đang vội đi giỗ bà mà”.


“Rồi sẽ có người khác giúp anh ấy/cô ấy” là ý nghĩ hiện lên trong đầu rất nhiều người khi ta bỏ qua một trường hợp cần giúp đỡ vì sợ gặp nguy hiểm hay phiền hà. Ý nghĩ đó khiến ta yên tâm, không còn thấy áy náy khi mặc kệ họ. Nói cho cùng, “giữa đường thấy sự bất bằng chẳng tha”, xả thân giúp đỡ là hành động của các siêu nhân, anh hùng – những nhân vật chiếm số ít. Ta cũng chẳng tệ hơn đa số mọi người. Nghĩ đến đó, lương tâm sẽ hết cồn cào.


Trong chúng ta, không ít người đã có lần chứng kiến ở chợ, bến tàu, trên xe bus, xe khách… cảnh trộm móc túi người khác. Nhưng được mấy người tri hô để bắt trộm hay lên tiếng nhắc nạn nhân? “Mình lên tiếng, lỡ nó đánh cho thì sao? Hoặc hôm khác nó theo dõi, trả thù thì sao?”. Nỗi lo sợ đó khiến cho không ít người trong số chúng ta khi phát hiện mình đã bị móc túi, chỉ biết ngậm ngùi khi có người đứng gần đó tiết lộ, họ nhìn thấy tên trộm đang “tác nghiệp” mà chỉ dám ra hiệu chứ không dám nói.


Thực ra, cũng chẳng có gì đáng trách khi người ta tự bảo vệ mình, khi những câu “làm việc tốt thiệt thân”, “khôn sống mống chết”… vẫn đang được nhiều người “kiểm chứng”. Dù vậy, một điều chắc chắn là ta vẫn gặp đâu đó những việc tốt, người tốt. Có lẽ vì họ không nghĩ nhiều đến chuyện dại – khôn, hay có thể họ vốn rất “khôn” nhưng ở những tình huống đặc biệt nào đó đã trở nên “dại” một cách vô cùng đẹp đẽ?
(Theo Đất Việt)